An toàn thực phẩm là nội dung quan trọng ở thị trường thủy sản Châu Âu. Càng ngày càng có nhiều quy định, buộc các sản phẩm thủy sản phải tuân thủ nghiêm để được nhập khẩu vào thị trường Châu Âu, trong đó có thể kể đến quy định về nhãn mác hàng hóa.
Ảnh minh họa
Châu Âu có các quy định rất rõ về việc ghi nhãn hàng hóa. Theo đó, có sự khác biệt giữa việc ghi nhãn thủy sản chưa chế biến và thủy sản đã chế biến; ghi nhãn cho thủy sản khai thác trong tự nhiên và thủy sản nuôi trồng. Tuy nhiên, các thông tin được liệt kê dưới đây bởi Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (the Centre for the Promotion of Imports from developing countries – CBI) là những thông tin cần được thể hiện trên nhãn các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Cần lưu ý: Các sản phẩm đóng gói sẽ có thêm một số thông tin yêu cầu bổ sung mà các sản phẩm chưa đóng gói không cần đưa vào.
Đối với tất cả các sản phẩm:
• Tên sản phẩm, bao gồm tên thương mại và tên khoa học;
• Danh sách thành phần, thể hiện trên nhãn của thùng carton bên ngoài;
• Phương pháp sản xuất – phải được đề cập cho dù đó là sản phẩm nuôi trồng hay đánh bắt tự nhiên;
• Xuất xứ – tham chiếu quốc gia nơi đã sản xuất;
• Khối lượng tịnh – khối lượng tịnh phải được đề cập trên các sản phẩm đóng gói sẵn;
• Hạn sử dụng, bao gồm ngày tháng năm (được viết theo trật tự này) và đứng trước ngày tháng năm sẽ là các cụm từ “best before/ best before end/ use by” với ý nghĩa “sử dụng tốt nhất trước ngày tháng năm nào”
• Người bán ở Liên minh Châu Âu – tên người bán hoặc tên doanh nghiệp và địa chỉ của nhà sản xuất, đóng gói hoặc người bán ở Liên minh Châu Âu;
• Bao bì phải có số phê duyệt của Liên minh Châu Âu;
• Bao bì cũng phải ghi số lô (lot number) là số được cấp cho các sản phẩm thuộc cùng một lô từ cùng một nhà xuất khẩu;
• Dinh dưỡng – phải nêu thành phần và giá trị dinh dưỡng
Thông tin bổ sung đối với sản phẩm đóng gói:
• Danh sách thành phần, thể hiện trên nhãn của bao bì;
• Thành phần (quy theo % của tổng khối lượng tịnh);
• Khối lượng tịnh;
• Tên người bán hoặc tên doanh nghiệp và địa chỉ;
• Nước xuất xứ (country of origin) hoặc nơi xuất xứ (place of provenance);
• Hướng dẫn sử dụng (nếu có);
• Dinh dưỡng – nêu rõ thành phần và giá trị dinh dưỡng;
• Được đóng gói trong điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;
• “Ngày cấp đông đầu tiên”: cần phải thỏa thuận và thống nhất với người mua. Vì có một số người mua thích ghi ngày cấp đông này là ngày đầu tiên khi nguyên liệu thô được cấp đông (ví dụ như trường hợp thủy sản vừa đánh bắt được tiến hành cấp đông ngay trên tàu). Trong khi những khách mua khác lại muốn ghi ngày cấp đông đầu tiên là khi sản phẩm ở dạng thành phẩm cuối cùng (ví dụ: cấp đông philê cá);
• Nếu là sản phẩm chế biến, chẳng hạn như surimi hoặc cá viên thì các thông tin này cần phải được đề cập, bằng cách ghi là: a preparation of …;
• Hàm lượng nước trong sản phẩm phải ghi công khai trên nhãn hàng hóa.
Điểm cuối cùng cần phải lưu ý đó là “hàm lượng nước”. Gần đây, nội dung này được thảo luận nhiều giữa các nhà nhập khẩu và các cơ quan có thẩm quyền của Châu Âu. Mặc dù đã có yêu cầu về việc trên bao bì phải ghi rõ “hàm lượng nước” nhưng vẫn chưa thống nhất về cách thức đo “hàm lượng nước” và ghi nhãn. Hiện tại, vẫn có sự khác biệt trong cách giải thích giữa các Quốc gia Thành viên EU.
“Hàm lượng nước” phải được nêu đầu tiên trong danh sách thành phần bổ sung vào sản phẩm, sau đó mới tới các thành phần khác. Ví dụ, nếu bổ sung 8% nước vào sản phẩm thì nhãn phải ghi là: 92% thủy sản, 8% nước, sau đó mới ghi tiếp các thành phần bổ sung khác.
Trong trường hợp thủy sản đã chế biến, nếu bổ sung vào sản phẩm dưới 5% nước thì thứ tự ghi “hàm lượng nước” trong danh sách thành phần không còn quan trọng. Trái lại, nếu bổ sung trên 5% nước thì “hàm lượng nước” phải ghi đúng thứ tự trong danh sách thành phần bổ sung, hơn nữa, phải ghi rõ trong tên sản phẩm, ví dụ ghi là “tôm có thêm nước” (shrimp with added water). Đối với việc ghi “hàm lượng nước” ở các sản phẩm thủy sản, các nhà chức trách Đức còn quy định nghiêm hơn về việc này. Cụ thể là: Nếu bổ sung trên 12% nước, người bán không được phép ghi tên của sản phẩm là tôm. Thay vào đó, phải dán nhãn “chế phẩm từ tôm” (preparation from shrimp).
Hậu quả của việc không thống nhất cách đo “hàm lượng nước” cũng như cách thức ghi nhãn sản phẩm đã làm ảnh hưởng đến việc nhận diện hàng hóa của người tiêu dùng; đồng thời gây khó cho việc cập nhật mã hải quan cho sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Các chế phẩm từ cá hoặc thủy sản (preparations from…) sẽ phải ghi thành mã HS16 chứ không được ghi mã HS03, đồng thời phải chịu thuế nhập khẩu cao hơn khiến giá thành sản phẩm bị đội lên. Hiện tại, các nhà chức trách ở Hà Lan đã tuyên bố không áp dụng nghiêm ngặt những quy định nêu trên, chỉ cần các nhà nhập khẩu đảm bảo rằng tên sản phẩm thủy sản không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Lời khuyên của CBI:
• Bám sát các thông tin của CBI về hàm lượng nước bổ sung và cách thức ghi nhãn sản phẩm để hiểu rõ hơn các quy định của EU.
• Cuộc tranh luận về cách ghi hàm lượng nước trên nhãn sản phẩm vẫn tiếp diễn. Tác động của các quyết định sau khi ban hành có thể là rất lớn nên chúng tôi khuyên bạn thường xuyên cập nhật thông tin bằng cách yêu cầu các nhà nhập khẩu của bạn ở Châu Âu cung cấp thông tin cho bạn.
• Xem quyển hướng dẫn bỏ túi của Liên minh Châu Âu (the EU’s pocket guide) để hiểu chi tiết về các yêu cầu của Liên minh Châu Âu đối với việc ghi nhãn thủy hải sản cũng như để tìm hiểu sự khác biệt trong việc ghi nhãn các sản phẩm đã chế biến và chưa chế biến.
• Truy cập Bộ phận trợ giúp thương mại của Liên minh Châu Âu (the European Union Trade Helpdesk) để biết thêm thông tin về các quy định và thuế nhập khẩu ở Liên minh Châu Âu
• Tìm hiểu luật dán nhãn của từng quốc gia cụ thể. Đối với Liên minh Châu Âu, điều quan trọng là phải ghi đúng tên thương mại và tên khoa học của sản phẩm, và đặc biệt là có sự khác biệt giữa các Quốc gia Thành viên Liên minh Châu Âu. Ví dụ: Đức và Hà Lan ghi nhãn cho tất cả các loài cá mú bằng một nhãn chung (Grouper – Epinephelus spp.), nhưng ở Pháp thì bạn phải dán nhãn riêng cho từng loài cá mú, ghi rõ tên thương mại và tên khoa học của nó. Trên trang web của Liên minh Châu Âu, bạn có thể tìm thấy những chỉ định thương mại ở mỗi Quốc gia Thành viên Châu Âu.
Chứng minh thủy hải sản của bạn có nguồn gốc hợp pháp
Quy định của Liên minh Châu Âu về phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2010. Theo Liên minh Châu Âu, đánh bắt IUU là bất kỳ hoạt động đánh bắt nào nằm trong khu vực cấm, sử dụng các phương pháp bất hợp pháp hoặc không được báo cáo. Đánh bắt IUU có tác động tiêu cực đến việc quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản toàn cầu; đồng thời tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với những loài đánh bắt hợp pháp và có trách nhiệm.
Liên minh Châu Âu yêu cầu bạn chứng minh rằng thủy hải sản của bạn không đến từ khai thác IUU. Các sản phẩm thủy sản khai thác tự nhiên cần được gửi kèm giấy chứng nhận khai thác đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Giấy chứng nhận khai thác phải chứa tất cả các thông tin quy định trong mẫu được nêu trong Phụ lục II của Luật IUU của Châu Âu. Bạn chỉ có thể xin giấy chứng nhận khai thác đối với thủy hải sản được mua từ các tàu đã được đăng ký và cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền ở đất nước bạn.
Các nhà chức trách châu Âu đã cam kết tăng cường nỗ lực duy trì sự phát triển bền vững của các đại dương, điều này được thể hiện qua áp lực mà các nhà chức trách đặt ra đối với các nước đang phát triển trong việc tuân thủ Quy định IUU. Một số quốc gia như Thái Lan, Việt Nam và Ecuador đã phải đối mặt với các thẻ vàng, qua đó EU yêu cầu chính quyền các nước có biện pháp xử lý chống khai thác IUU. Nếu chính phủ không hành động, các nhà chức trách châu Âu có thể phạt thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc cấm nhập khẩu thủy hải sản từ các quốc gia này vào thị trường châu Âu.
Lời khuyên của CBI: Để biết tổng quan về các quốc gia hiện đang phải đối mặt với thẻ vàng hoặc thẻ đỏ, hãy xem phần tổng quan này được trình bày bởi tổ chức phi chính phủ IUU Watch có trụ sở tại Châu Âu. Để đọc bản tóm tắt về các quy định IUU của Châu Âu, hãy xem ấn phẩm này của Liên minh Châu Âu.
Hệ thống quản lý của EU về nguồn gốc xuất xứ
Khi xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU, bạn có thể được hưởng lợi từ việc giảm thuế hoặc thậm chí không phải chịu thuế. Điều này được áp dụng cho trường hợp sản phẩm đến từ quốc gia được liệt kê trong nhóm “Standard GSP”, “GSP+” hoặc “EBA” có liên quan đến Chương trình ưu đãi chung của Châu Âu (the European Generalised Scheme of Preferences – GSP). Tuy nhiên, bạn chỉ nhận được ưu đãi này nếu chứng minh được rằng sản phẩm mà bạn xuất khẩu có nguồn gốc từ quốc gia được hưởng thuế suất ưu đãi. Liên minh Châu Âu đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để các nhà xuất khẩu thủy sản đăng ký, đó là: Registered Exporter System (REX).
Từ năm 2010, REX được biết đến lần đầu tiên thông qua việc sửa đổi Quy định (EU) số 1063/2010 trong bối cảnh cải thiện Quy tắc xuất xứ (Rules of Origin – RoO) của GSP. Mặc dù hầu hết các nội dung trong Quy định này đều có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2011, nhưng REX được trì hoãn lại cho đến ngày 1 tháng 1 năm 2017.
Hệ thống REX đã thay thế hoàn toàn hệ thống chứng nhận xuất xứ cũ. Sự khác biệt chính giữa hai hệ thống là: Trong hệ thống cũ, cơ quan quản lý ở nước xuất xứ sẽ cấp chứng chỉ (Form A); Đối với hệ thống mới thì mọi chứng nhận xuất xứ đều được cung cấp trong hệ thống REX bởi chính các nhà xuất khẩu.
Lời khuyên của CBI:
• Kiểm tra xem quốc gia của bạn có được hưởng lợi từ GSP, GSP+ hoặc EBA hay không. Bạn có thể nhập tên quốc gia của bạn vào công cụ tìm kiếm trên trang web của Liên minh Châu Âu để biết được điều đó.
• Số REX (REX number) của nhà nhập khẩu có thể tìm trong cơ sở dữ liệu REX (REX database).
• Trên trang web của Liên minh Châu Âu, bạn hãy chủ động tìm hiểu thêm về REX cũng như các ý nghĩa của REX đối với bạn trong tư cách một nhà xuất khẩu.
• Có một bài báo phân tích chi tiết ưu, nhược điểm của hệ thống REX theo góc độ các nhà nhập khẩu tôm của Liên minh Châu Âu; Bài báo này đã được đăng trên tạp chí ShrimpTails.
Kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu
Sau hành trình vận chuyển, các lô hàng của bạn sẽ tiếp cận thị trường EU thông qua Trạm Kiểm dịch Biên giới (Border Inspection Post) để chờ sự xem xét, phê duyệt của đội ngũ bác sĩ thú y của Quốc gia Thành viên EU. Thông thường, không phải lô hàng nào cũng phải kiểm tra thực tế; Chủ yếu việc kiểm tra được tiến hành đối với các loại giấy tờ đi kèm với sản phẩm hàng hóa. Tần suất kiểm tra thực tế phụ thuộc vào hồ sơ sản phẩm cũng như các kết quả của những lần kiểm tra trước đó. Các lô hàng bị phát hiện không tuân thủ luật pháp của EU sẽ bị tiêu hủy hoặc trong một số điều kiện nhất định, được gửi lại trong vòng 60 ngày. Ngoài ra, công ty xuất khẩu có thể bị cấm xuất khẩu vào EU.
Không giống như Trung Quốc (quốc gia áp dụng nghiêm ngặt an toàn sinh học đối với thủy sản nhập khẩu), hiện tại, châu Âu không gắn COVID-19 với các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu sản phẩm thủy sản của bạn phải quá cảnh qua EU để đến Vương quốc Anh, thì sản phẩm đó phải vào lãnh thổ EU thông qua Trạm Kiểm dịch Biên giới và mỗi chuyến hàng sẽ cần phải có Giấy tờ Nhập cảnh Y tế (Common Health Entry Document). Đồng thời, các nhà nhập khẩu cần thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Vương quốc Anh bằng cách sử dụng hệ thống thông báo nhập khẩu mới có tên “IPAFFS” (Import of Products, Animals, Food and Feed System) để thông báo về việc nhập khẩu Sản phẩm, Động vật, Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi. Trong trường hợp này, IPAFFS được dùng để thay thế TRACES (một ứng dụng trực tuyến của EU). Để hiểu rõ hơn về những thay đổi, hãy đọc mục tin tức BREXIT của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI).